Đền Tam Giang thuộc địa phận phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Xung quanh ngôi đền chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa cũng như tín ngưỡng dân tộc Việt Nam.
Tìm hiểu về Đền Tam Giang
Đền Tam Giang thờ các nữ thần tự nhiên như: Mẫu Thoải – cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn – cai quản núi rừng, Mẫu Cửu Trùng – cai quản bầu trời trong tín ngưỡng Tam Phủ của người Việt cổ. Bên cạnh đó, đền còn thờ một nhân vật lịch sử huyền thoại Vũ phụ Trung dực Uy Hiển Vương – húy là Thổ Lệnh – được người dân coi tôn kính bái vọn, coi là thần làng, thần sông Bạch Hạc.
Thần tích có kể lại rằng vào đời Đường (Trung Quốc), khi Lý Thường Minh sang làm Thứ sử Giao Châu đi ngao du phong cảnh tới vùng này nằm mộng thấy 2 thiên tướng là Thổ Lệnh Đại Vương và Thạch Khanh Đại Vương. Lý Thường Minh mời hai vị thi tài, ai hơn sẽ ở lại hưởng hương khói của dân làng Bạch Hạc. Đức Thổ Lệnh Đại Vương thắng, nên được dân làng Bạch Hạc thờ phụng.
Ngoài ra, lịch sử còn ghi chép lại vào thế kỉ XIII, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Đầu năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần năm 1287. Để bày tỏ lòng biết ơn công lao của vị anh hùng dân tộc, người dân nơi đây đã tôn thờ ông trong đền Tam Giang.
Đền Tam Giang – Di tích lịch sử cấp quốc gia được nhiều người biết đến
Đền Tam Giang là một địa điểm du lịch gần Hà Nội, nằm bên tả ngạn sông Lô, theo danh từ địa phương còn gọi là sông Thao, trông sang thành phố Việt Trì. Để đi tới đền Tam Giang, du khách đi theo quốc lộ số 2 đường Hà Nội đi Tuyên Quang – Hà Giang, qua cầu Việt Trì.
Đền Tam Giang rộng khoảng 1000 m2, nằm ở vị trí khá đắc địa. Ngôi đền quay ra sông, phong cảnh hữu tình, nhìn theo hướng Tây Bắc có thể thấy núi Nghĩa Lĩnh – nơi thờ các vua Hùng. Cũng mang phong thái kiến trúc kiểu chữ “đinh”, đền Tam Giang gồm hai tòa tiền tế và hậu cung, nhà 4 mái, đao cong, nội thất chạm các bộ tứ quý như “long, ly, quy, phượng”, “tùng, trúc, cúc, mai” hết sức tinh tế toát lên vẻ đẹp linh thiêng, hoàn mỹ.
Trong đền Tam Giang còn lưu giữ một chuông đồng “Thông Thánh quán chung ký” có niên đại Minh Mệnh năm thứ 11 và các bài minh chuông như: Thác bản chuông “Phụng Thái Thanh Từ” niên đại Gia Long năm thứ 17, “Thông Thánh Quán” niên đại Đại Khánh thứ 8, đời vua Trần Minh Tông.
Lễ hội Bạch Hạc và tục lấy nước
Trước đền Tam Giang hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch thường diễn ra hội bơi chải. Ở lễ hội này, người dân thường diễn lại tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn Tản Viên khi ngài đến thăm Bạch Hạc và còn kể về sự hình thành tên làng, tên xóm, tên sông, những nét sinh hoạt văn hóa gắn liền với nền văn minh sông Hồng và nền văn minh lúa nước.
Bên cạnh đó, ở đền Tam Giang còn có tục lấy nước thường vào dịp 25-9 và 10-3 âm lịch hàng năm.Theo nghi thức xưa, có đầy đủ đội tố nam, nữ cùng cụ từ của đền sẽ bơi chải đua thuyền ra ngã ba sông để lấy nước.
Ngày nay, người ta truyền nhau rằng ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp lưu của 3 sông thiêng: sông Thao, sông Đà, sông Lô trên đất Tổ, liên kết âm dương. Vì vậy, nếu nước Thánh đem uống hay tắm gội thì sẽ rất may mắn, cầu được ước thấy, thăng quan phát tài. Cái niềm tin tâm linh ấy đã khiến người người từ khắp vùng miền đổ về đây để xin nước thiêng cầu nguyện.
Đền Tam Giang là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị nên năm 2010 đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là tiềm năng phát triển du lịch Phú Thọ trong tương lai.