Rộn ràng ngày xuân với lễ rước Ông Khiu Bà Khiu

0
1002
Rate this post

Lễ rước ông Khiu bà Khiu là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, được gìn giữ bao đời nay của người dân xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao (nay thuộc thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về là người dân nơi đây lại rộn ràng với các lễ hội và sự ghé thăm của du khách thập phương, trong đó lễ hội rước ông Khiu bà Khiu là thu hút sự chú ý hơn cả. Ngược về miền đất tổ, chúng ta cùng tìm hiểu về lễ hội truyền thống này, sự chuẩn bị kỳ công cũng như nét hấp dẫn mà nó mang lại nhé.

Lễ rước ông Khiu bà Khiu – một lễ hội được chuẩn bị hết sức kỳ công

Vùng đất Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ vốn nổi tiếng bao đời nay với những lễ hội truyền thống đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ rước ông Khiu bà Khiu. Đây là lễ hội được tổ chức tại xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì và được diễn ra vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm, là một nét đặc trưng của du lịch Phú Thọ. Để cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ và mang đến không khí tưng bừng, ấn tượng cho mọi người, công tác chuẩn bị cho hội rước được tiến hành hết sức nghiêm túc và kỳ công.

lễ rước ông Khiu bà Khiu

Để chuẩn bị cho lễ rước ông Khiu bà Khiu, bốn giáp cử ra một ông cai hội. Ông cai hội sẽ đảm nhiệm phần làm bánh chưng để rước, bánh được làm vào sáng mồng 3, trước khi diễn ra lễ rước một ngày. Bánh chưng cho lễ rước phải là bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, không lẫn gạo tẻ, thơm đặc trưng của gạo, không bị nát.

Lá dong để gói bánh cũng được chọn lọc một cách kỹ lưỡng. Lá phải là lá dong bánh tẻ, lá to, đủ để gói một chiếc bánh trưng dài khoảng 40 cm. Bên ngoài bánh giằng lạt giang như bánh bình thường, khi bánh luộc chín để nguội bao lại một lượt lá dong mới còn xanh rồi giằng thêm một vòng lạt mới ra ngoài cho chắc để khi tung bánh không bị vỡ.

Ngoài bánh trưng để làm vật tế lễ, các khâu chuẩn bị khác cho lễ rước ông Khiu bà Khiu như làm giàn Khiu, chọn ông Khiu và trang phục, chọn bà Khiu và trang phục cũng đều được chuẩn bị hết sức kỳ công. Giàn Khiu được làm sẵn từ hôm trước, gồm 4 cây tre hoặc 4 cây gỗ, trên cột có đục mộng xà để lát ván làm sàn. Giàn Khiu cao khoảng 2m, dài 2m, rộng 1,8m, sàn lát bằng gỗ phía trên không có mái che.

Ông Khiu được chọn phải là một người đàn ông khoảng 60 đến 65 tuổi, khoẻ mạnh đẹp lão, vợ chồng song toàn, có đầy dủ con trai con gái, gia đình không có tang. Chấp hành tốt chính sách của Nhà nước và quy ước văn hoá của làng. Qua sự chuẩn bị kỳ công đó có thể thấy người dân xã Thanh Đình đã dồn hết tâm huyết và tình cảm của mình vào lễ hội truyền thống này.

Bà Khiu được chọn cho lễ rước ông Khiu bà Khiu phải là một thanh niên nam đóng giả tuổi từ 12 đến 17 tuổi, khoẻ mạnh, khôi ngô tuấn tú, bố mẹ song toàn, anh em có trai có gái. Trước khi đóng bà Khiu phải tắm rửa sạch sẽ, khi đóng bà Khiu phải dấu mặt (thường được che mặt bằng một cái khăn đỏ). Sau khi rước xong bà Khiu được đưa xuống chuồng trâu để thay quần áo, theo quan niệm việc đó để thần thánh khỏi lấy mất vía người trần tục.

Lễ rước ông Khiu bà Khiu được tiến hành như thế nào?

Sau khi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đúng ngày 4 tháng giêng âm lịch, lễ rước ông Khiu bà Khiu được tiến hành. Sáng mồng 4, bà Khiu được đưa đến điểm xuất phát của lễ rước tại đền Giõng. Trang phục của bà Khiu là một chiếc áo mớ ba mớ bảy màu đen bên ngoài, bên trong mặc áo trắng, đầu đội đội nón ba tầm, chân đi guốc mỏ, tay bà Khiu cầm một cái túi nhỏ bằng hoa vải đỏ, trong túi có 9 miếng trầu têm cánh phượng, 9 miếng cau đậu bổ rời từng miếng, 9 miếng vỏ cay (hoặc rễ ăn trầu).

lễ rước ông Khiu bà Khiu

Trong khi đó, ông Khiu mặc trang phục áo trắng ở trong cùng, áo chàm lam xanh thụng bên ngoài, đầu đội mũ tế, mặc quần trắng, chân đi hia. Ông Khiu đồng thời cũng chính là chủ tế. ông bà Khiu được rước đến sân đình. Lễ vật được tiến vào trong đình để làm tế lễ. Tế lễ xong, đội cờ, đội trống chiêng, bát bửu, kiếm đao, sinh tiền, kiệu văn, kiệu rước lễ, kiệu  ông Khiu bà Khiu được rước đi. Các quan viên vây kín ông Khiu bà Khiu.

Trong lễ rước ông Khiu bà Khiu, một người vác cờ màu hồng có hai mẹ con trâu và nghé, phía dưới cán cờ có treo nơm, giỏ đựng cá. Có 5 thanh niên mặc quần áo nâu vác cờ hình đầu trâu, đầu bò bằng giấy dán vào nan đan, 5 thanh niên khác trong trang phục nâu vác cờ bông luá vừa đi vừa làm trò vui vẻ, đi cùng đám rước trẻ, già trai gái trong làng rất đông vui.

Mỗi năm, lễ rước ông Khiu bà Khiu đều thu hút rất đông du khách thập phương tới tham dự. Đây là một lễ hội truyền thống của xã Thanh Đình, một địa điểm du lịch gần Hà Nội được mọi người yêu thích. Trong buổi lễ, ông Khiu, đồng thời cũng là chủ tế sẽ làm lễ đầu xuân tại đình làng và khấn rằng:

“Cầu cho dân khang vật thịnh

Mưa thuận gió hoà

Để dân làng ta

Có nơm úp cá

Có giá đựng xôi

Cầu cho dân làng ta

Mưa thuận gió hoà

Cho dân làng ta, có nơm úp cá

Cho dân làng ta, có giá đựng xôi”.

Những lời khấn của ông Khiu cũng chính là những mong ước hết sức giản dị và mộc mạc của người dân nơi đây, cầu mong cho một cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mọi người luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Kết thúc buổi lễ, ông Khiu tung bánh chưng, bà Khiu tung ngũ cốc, dân làng đổ xô thi nhau cướp để lấy may. Ai lấy được nhiều hạt ngũ cốc, nhiều bánh chưng thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, người người no đủ.

Có thể thấy lễ rước ông Khiu bà Khiu là một lễ hội được chú ý nhất của xã Thanh Đình. Đây cũng là lễ hội thu hút rất nhiều du khách gần xa tới tham dự. Hàng năm, cứ mỗi dịp tế đến xuân về là người dân nơi đây lại ngóng trong đến ngày diễn ra lễ hội. Trải qua bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử, dù cuộc sống có thay đổi bao nhiêu thì những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa, tinh thần mà lễ rước ông Khiu bà Khiu mang lại vẫn còn nguyên vẹn.